Tân Định là nơi tôi sanh ra, nhà trong hẻm lớn 146 Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu), cuối hẻm là trường La San Đức Minh. Từ con hẻm lớn này tôi có thể “ngang dọc” luồn lách ra đường Pasteur, chỗ phở Hòa, hay ra đường Nguyễn Đình Chiểu (nay Trần Quốc Toản), đâm thẳng ra Huỳnh Tịnh Của. Nếu rẽ phải, băng lòn qua hông nhà thờ Tân Định, sẽ ra ngã 3 đường Hai Bà Trưng – Đinh Công Tráng.
Vũ Thế Thành
Ký ức tuổi thơ nằm cả nơi vùng Tân Định, thằng nhóc áo vắt vai, quần xà lỏn, chân trần, bè bạn đàn đúm đi khắp hang cùng ngõ hẻm, mò ra tới cả khu xóm Chùa, cầu Bông, cầu Kiệu.
Năm 9 tuổi, nhà dời qua Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ), cách nhà cũ chừng 2 cây số. Nhưng hai năm sau, tôi thi đậu vào trường công Trần Lục, nằm ở góc đường Ng Đình Chiểu – Hai Bà Trưng, trông xéo ra chợ Tân Định. Thêm 4 năm trung học đệ nhất cấp ở đấy, thành thử khu Tân Định tôi khá rành…
Trường TH Trần Lục là một trong những ngôi trường do Pháp để lại. Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây- Nhà Tây xây bền chắc và thoáng mát lắm. Sài Gòn nắng nóng, nhưng những năm theo học, chúng tôi không cảm giác oi bức nóng nực nhiều, vẫn hồn nhiên quậy phá. Cuối sân trường, là cổng lớn khác, từ đó thông qua trường Tân Định (nay đã bít ngõ thông), và quẹo phải ra đường Hai Bà Trưng, có rạp chớp bóng Kinh Thành. Cách đó khoảng 200 mét là rạp Kinh Đô, nằm bên hông chợ Tân Định. Hai rạp xi nê nằm kẹp trường học như thế, tránh sao khỏi cúp cua.
Bây giờ trường có tên là Nguyễn Thị Diệu, cổng trường xây mới lại theo kiểu hiện đại, tân cổ lẫn lộn, như ông đồ già mặc áo the thâm phun kim tuyến…Tôi đứng ở cổng trường nhiều lần, liếc thấy bóng cây sân trường, ngần ngừ không dám bước vào. Tôi sợ ký ức càng thêm tiếc nuối….
Đọc bài “Tân Định, thức cả trăm năm…” của Hoàng Nguyên Vũ, ngẩn người, cả vùng trời tuổi thơ… Còn nhiều thứ chưa kể, còn biết bao điều chưa nói hết. Tôi nghĩ tác giả cũng cùng tâm trạng như thế. Mà nhắc đến ký ức tuổi thơ, nói mấy cho vừa!
Vũ Thế Thành
———-
Đọc Tân Định, thức cả trăm năm của Hoàng Nguyên Vũ
.