Độc ẩm

Có một cảnh độc ẩm trong bộ phim Thủy Hử, nhẹ nhàng nhưng đầy cảm khái. Lâm Xung bị gian thần hãm hại, đày ra Thương Châu. Con người nhẫn nhục và thận trọng này nhất định đòi đoạn hôn, để vợ tự do lấy chồng khác trước khi bước vào hành trình không ngày trở lại.

Vũ Thế Thành

drinking-alone

Tại chốn lưu đày, Lâm Xung được phân trông coi thảo trường, đồng không mông quạnh. Trong lều cỏ, vị giáo đầu của tám mươi vạn cấm quân ở Đông Kinh ngồi co ro uống rượu một mình bên đống lửa. Bên ngoài gió lạnh, tuyết rơi… Chàng chợt nhớ lại những kỷ niệm đẹp của tình nghĩa phu thê. Trong cái nghìn dặm chim bay, nghìn dặm năm xưa, trong cả tuyệt vọng cũng le lói một đóm lửa, người anh hùng mạt lộ mơ tới ngày đoàn tụ qua ly rượu…

Lâm Xung không thể ngờ chỉ vài canh giờ sau, đóm lửa hy vọng đó sẽ tắt ngúm khi thảo trường bừng bừng cháy.

Rượu cũng làm con người hy vọng, một thứ hy vọng hão huyền bi đát. Cái khoảnh khắc hy vọng đó của Lâm Xung mỏng manh và đẹp.

Uống rượu một mình ở nhà có khi chỉ vì thấy lòng trống trải, cũng có khi do mang nặng nỗi buồn… Tôi có người bạn ở Mỹ, thường xuyên phải làm ca đêm, lái xe về đến nhà đã ba, bốn giờ sáng. Không muốn làm vợ con thức giấc, chỉ còn nước xách chai rượu ra phòng khách nhâm nhi. Tôi biết điều này, vì thỉnh thoảng y gọi điện thoại về Việt Nam, chớm sáng bên kia là chập tối bên này, có khi cả hai tình cờ đang ly trong tay. Cứ thế mà nói, nói đủ chuyện, chuyện xưa, chuyện nay… Chuyện xưa là chính. Nói để thử thách ký ức, để lấp đầy khoảng trống thời gian.

Uống một mình ở nhà vì mang nặng nỗi buồn thì hơi… phiền. Rượu ngà ngà rồi, con người thường rơi vào trạng thái hoang tưởng lưỡng cực: thật tiêu cực hoặc thật tích cực. Lúc thì giận hờn, khi thì bao dung. Dòng suy tưởng cứ miên man chạy ngược chiều nhau trong suốt cơn say, khi cực này, lúc cực nọ, gậm nhấm nỗi cô đơn giữa hy vọng và tuyệt vọng. Đo lường nhân sinh, hay nhân tình thế thái qua cái nhìn lưỡng cực của men rượu, đôi khi soi gương, chẳng thấy mình đâu, chỉ còn là cái bóng bên ly rượu.

Uống rượu một mình ở nhà đã oải, uống rượu một mình ở quán thì coi như… thầy chạy. Nỗi cô đơn sẽ nhân đôi bởi đó là nỗi cô đơn giữa đám đông. Đám đông giống như phông nền của bức tranh, nỗi cô đơn sẽ vẽ nguệch ngoạc trên đó, chia cắt cái hiện thực của đám đông, có mà như không có.

Tối ba mươi cách nay vài năm, một người bạn rủ tôi ra quán quen gần ngã tư Bảy Hiền, la cà vài ly để xem mùi vị đêm ba mươi Tết ở quán rượu thế nào.

Quán khá đông người, đa số là Việt kiều. Dễ nhận ra vì họ thường mặc quần short, đeo “bao tử” (bóp tiền) trước bụng, cười nói hơi to hơn bình thường. Quán có ca nhạc sống, chỉ một cây đàn organ với ca sĩ vườn và ca sĩ thực khách. Chủ quán lăng xăng, đi qua đi lại, kề tai khách quen nói nhỏ, hôm nay hát thả dàn nghen, đã “thông cảm” với phường rồi. Tôi cười, Ông cho ca sĩ chơi bản “Xuân này con không về” đi, tôi mới tin. Chủ quán cho chơi liền… Quán sinh động hẳn lên.

Chủ quán trở lại bàn tôi ra cái điều tay chơi, nói là làm. Đột nhiên ông ghé tai tôi nói nhỏ:

  • Cái ông ngồi một mình bên bàn kia sắp chết rồi.
  • ???
  • Bị ung thư thời kỳ cuối. Con cái tranh nhau gia tài nên ổng buồn…
  • Sao ông biết?
  • Ổng ở gần đây mà. Chiều nào cũng ra đây làm chai bia. Uống bia chứ không kêu mồi. Có một chai mà uống hoài không hết.

Tôi liếc sang bàn bên. Một chai, một ly, không mồi. Người đàn ông nhỏ thó, trong chiếc áo gió, trạc ngoài năm mươi. Tôi tránh nhìn trực diện. Hơi kỳ!

Đêm ba mươi Tết, người ta độ lượng hơn, lỡ vấp chân, hay lỡ đổ bia vào nhau cũng chỉ cười xòa… Giờ phút cuối cùng của năm cạn dần. Ban nhạc chơi bản Ly rượu mừng, nhiều người trong quán đứng lên hát theo, cụng ly nhau, có người hào hứng vừa cầm chai vừa nhảy. Tôi cầm ly bước qua bàn bên cạnh, Năm mới chúc anh sức khỏe và bình an. Ông cũng đứng lên, nâng ly và chúc lại. Tiếng nói nhẹ và loãng tan trong cái náo nhiệt của bản Ly rượu mừng. Ông hớp một chút bia, đôi mắt hờ hững xuyên qua đám đông, nhìn mà như không nhìn gì cả. Nỗi cô đơn của ông không còn là những nét nguệch ngoạc, nó đã phủ đầy sơn trên bức tranh rồi.

Lai rai cùng chúng bạn cũng là cách giải khuây, vui thêm, mà cũng có khi buồn thêm vì mình phải chia buồn, chia vui. Thực ra, buồn vui là trạng thái tình cảm tuyệt đối, bất khả phân. Người khác chia buồn với tôi, nhưng nỗi buồn của tôi vẫn vậy, có tiêu hao đi chút nào đâu. Thế nhưng chia sẻ là điều cần thiết, vì nó giúp người ta tăng thêm sức chịu đựng. Chia sẻ qua ly rượu, không chừng nỗi niềm lại phát tán nhanh hơn cũng nên.

Có lẽ ở tuổi nào đó, người ta mới thấm thía được câu thơ của Nguyễn Khuyến: Không mua không phải không tiền không mua.

Vũ Thế Thành

(trích “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ”, 2021)

Advertisement
This entry was posted in Tùy bút Vtt and tagged . Bookmark the permalink.

1 Response to Độc ẩm

  1. Mrs.Vũ Hồng Loan says:

    Bài thơ “khóc Dương Khuê” của Nguyễn Khuyến quả thật có câu ” Không mua không phải không tiền không mua” và lập tức được hiểu đơn giản là vì ” Rượu ngon không có bạn hiền”.

    Bài điếu mà không buồn, rất ẩm thực và an toàn thực phẩm, không mua rượu vậy thôi, có nói gì thì đã không mua rồi, vậy còn mặt mũi nào mà nói chuyện “rượu” nữa đây.

    Suy ra ” Độc ẩm” đâu là chuyện giải buồn. Đâu cần dẫn tới “Thuỷ hử” với Lâm Xung…mới đây thôi, ngày 22/01/2023 (ngày mùng một tết Quý mão), tôi và một người bạn của tác giả gặp nhau:
    + Mr.VTT sao rồi nhỉ ?
    + Ông ấy thành tiên rồi.
    + ???
    + Suốt ngày một mình trong trạng thái “tự do”.
    + ???
    Là trạng thái con người làm chủ được chính mình, đối thoại, nghiền ngẫm, lý giải…mọi thứ với bản ngã của mình một cách hoan hỉ và tuỳ hứng. Không có gì vui hơn đối thoại với chính mình vì cũng khó có người cùng “trình” để đối thoại. Sau những bầm dập của cuộc đời này, Mr.VTT đã đạt đến trạng thái ung dung tự tại. Hãy xem anh ấy viết: “…đôi mắt hờ hững xuyên qua đám đông…” chẳng ai thấy nỗi “cô đơn” của người sắp chết ! Chỉ thấy ấm áp sự bình an vĩnh cửu ! tranh chấp nhà cửa ư ? đuổi bố mày ra đường ư ? lật lọng gian nanh ư?…rồi cũng thế cả thôi. Chết là chắc.

    Cảm ơn Mr.VTT – người gieo mầm cảm hứng.
    VHL

    Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s