Tán nhảm về rượu

Rượu có từ hồi nào? Có người cho rằng rượu có từ thời đá mài (neolithic). Nhằm nhò gì, mới đây (1975), người ta còn phát hiện cả tỷ tỷ rượu trong đám mây ở trung tâm dải Ngân Hà. Có điều thiên tửu vô biên này cách trái đất đến chừng ba mươi ngàn năm ánh sáng.

Vũ Thế Thành

Còn tôi, tôi nghĩ khác, đơn giản mà chắc ăn hơn. Có cỏ cây hoa quả là có rượu. Chẳng phải những trái cây chín mọng sẽ lên men rượu đó sao?

Vậy ai là người uống rượu đầu tiên? Có người dựa vào truyền thuyết nào đó nói rằng, đấy là ông Noah thoát nạn trên một con tàu trong trận đại hồng thủy. Ông tình cờ làm ra được rượu nho và uống say bí tỷ.

adam-eve-

Tranh của Peter Paul Rubens, 1615

Tôi cũng nghĩ khác. Chính ông Adam là người đầu tiên uống rượu. Adam nghe lời xúi (dại) của bà Eva ăn trái cấm, gây biết bao phiền toái cho con cháu đời sau. Cái này sách chép, chứ không phải tôi bịa. Dù gì thì Adam cũng là đứa con đầu lòng của Thượng đế, đâu dễ gì nhẹ dạ như thế. Vườn địa đàng đầy hoa thơm cỏ lạ, trái cây mơn mởn… Eva chắc (chắn) đã chuốc rượu cho Adam, lả lơi mời mọc Adam ăn trái chín lên men. Khổ thân ngài Adam, ngà ngà rồi thì trái cấm cũng như trái… xoài, đâu còn ngán ai nữa mà không dám ăn. Tôi ngờ rằng sách chép thiếu đoạn này, hay tam sao thất bổn gì đó.

Con cháu Adam muôn đời sau vẫn không rút ra được bài học của tổ tiên, uống rượu là cứ phụ nữ kè kè bên cạnh. Uống nhiều, nói nhiều – Nói nhiều, hớ nhiều. Thượng đế ban tặng cho phụ nữ trí nhớ dai, và cái tật… nói dai. Bi kịch là ở chỗ đó. Thần khẩu hại xác phàm, có những khi lỡ lời không sao khắc phục được, và ân hận triền miên là hậu quả, bởi lẽ ngay từ khởi thủy đàn ông đã mắc cái tội nhẹ dạ, và đó là “gen” trội. Tội tổ tông, không có thuốc chữa.

Cho dù thế nào đi nữa, uống rượu cũng phải có bạn. Uống một mình làm sao uống nổi. Đàn ông chè chén với nhau có vẻ ổn hơn, có thêm phụ nữ dễ mắc vạ miệng. Không có thuốc đặc trị, thì cũng nên biết cách giảm thiểu rủi ro.

Mỗi người có cách ứng xử với rượu khác nhau. Rượu vào là khoác lác theo kiểu ăn giỗ nói dóc, kiểu ba hoa này chẳng hại ai, chỉ làm bàn tiệc thêm vui. Có người mượn rượu để khẳng định “cái tôi” giữa đám đông, mà lúc bình thường “cái tôi” của họ chứa đầy mặc cảm. Lại có người rượu vào là buông ra những lời hứa hẹn nhân nghĩa, để rồi ngày mai quên sạch. Uống rượu để thanh minh, uống rượu để nói, mà chẳng cần biết mình nói gì, nói huyên thuyên đủ chuyện, không đầu không đuôi, miễn là nói… Nói là cách luyện tập ngôn ngữ của người say. Sự thăng hoa đột biến chỉ có khi anh binh nhì trong cơn say tưởng mình là đại tướng.

Uống rượu để bàn chuyện, để gài bẫy trong kinh doanh, cái này siêu, không bàn tới. Uống rượu vì thói quen (nghiện), uống rượu để quậy, để giở trò, để khi tỉnh đổ thừa do rượu… Những thứ này cũng… siêu, không bàn tới luôn. Bất khả tư nghị!

Uống rượu để tâm tình, để ôn cố tri tân, để nói với nhau những khắc khoải và an nhiên của cuộc sống. Mượn rượu kiểu này mới là siêu… thứ thiệt.

Hình như có chút rượu vào, con người khang khác so với lúc bình thường. Rượu làm hưng phấn, làm cuộc sống dễ chịu hơn đôi chút.

Cách đây vài tháng, hai ông bạn nhà văn (nhớn) đến thăm tôi ở Đà Lạt. Hai tay này thuộc loại nhát rượu, nhưng tôi vẫn phải bày bàn rượu cho phải đạo. Chỉ có tôi là uống thiệt, còn hai tay kia nâng lên đặt xuống và “đá mồi”. Họ nói với nhau về tác phẩm vĩ đại còn trong… bào thai của họ. Hai cái giọng đều đều, trao qua đổi lại một cách tẻ nhạt. Kẻ ngoại đạo văn chương thơ phú như tôi chỉ còn cách nhẫn nại và nhẫn nhục; cách giải thoát duy nhất là im lặng và… uống.

Nhưng cái gì cũng có giới hạn… Tửu nhập (vài ly), là ngôn xuất. Tôi bắt đầu ý kiến ý cò linh tinh… Cái thai “ngoài tử cung” đó, hoặc phải được trục xuất cho nhẹ bụng, hoặc phải có phép lạ để đưa nó về đúng vị trí mà tạo hóa ấn định để chào đời bình thường. Đúng là tửu loạn ngôn loạn. Cái phép màu đó là ý tưởng lạ, lên đồng từ hơi rượu của tên ngoại đạo. Họ lắng nghe và thỉnh thoảng nói… leo, rồi tranh nhau nói. Giọng họ không còn đều đều nữa. Hai ông nhà văn (nhớn) bắt đầu chìa ly xin thêm rượu, chút chút thôi… Một lần, rồi hai lần… Mỏi tay, tôi đưa luôn bình rượu (vang) cho họ self-service!

Đêm Đà Lạt vẫn lạnh, nhưng không còn tĩnh mịch. Hậu quả là kẻ lên đồng gục trước hai tên nhát rượu. Ai bảo rượu không góp phần tạo ra hứng khởi và sáng tạo? Chẳng biết lúc này hai cái bào thai đó đã nằm đúng vị trí chưa, nhưng vẫn chưa thấy chào đời. Hai ông nhà văn (nhớn) còn mắc nợ tôi.

Lai rai cùng chúng bạn cũng là cách giải khuây, vui thêm, mà cũng có khi buồn thêm vì mình phải chia buồn, chia vui. Thực ra, buồn vui là trạng thái tình cảm tuyệt đối, bất khả phân. Người khác chia buồn với tôi, nhưng nỗi buồn của tôi vẫn vậy, có tiêu hao đi chút nào đâu. Thế nhưng chia sẻ là điều cần thiết, vì nó giúp người ta tăng thêm sức chịu đựng. Chia sẻ qua ly rượu, không chừng nỗi niềm lại phát tán nhanh hơn cũng nên.

Vũ Thế Thành

(trích đoạn “ Huynh đệ tương phùng ba chén rượu” trong tập tùy bút “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ”)

Advertisement
This entry was posted in Tùy bút Vtt and tagged . Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s