Thà chết trên tay Thị Nở, còn hơn chết vì methanol

Ngộ độc do rượu nhiễm methanol không phải hiếm hoi, mà tràn lan trên thế giới, đến độ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải lên tiếng báo động. Ngộ độc methanol không phải ở quy mô nhỏ, mà mỗi vụ cỡ từ 20 đến 800 nạn nhân, với 30% vong mạng (1).

Vũ Thế Thành

methanol

Ảnh: baohatinh.vn

Vài ghi nhận do ngộ độc rượu chứa methanol trong nước

  • Tháng 10/2017 tại tỉnh Lai Châu, với 40 người phải nhập viện, trong đó 8 người đã chết được do uống rượu có methanol
  • Tháng 10 năm 2021, ngay khi vừa hé mở lockdown Covid thì đã ghi nhận, 9 ca tử vong vì ngộ độc rượu do methanol, 3 ở Đồng Nai và 6 ca ở Sài gòn. Vài chục người khác vẫn còn đang nằm bệnh viện.

Nguyên nhân phát sanh methanol trong rượu

Theo Tổ chức WHO, thông thường có 3 nguyên nhân dẫn đến lượng methanol cao trong rượu:

– Do cố tình pha trộn thêm methanol vào rượu để tăng độ alcohol.

– Do chưng cất. Lên men rượu đã tạo ra sản phẩm phụ là methanol rồi. Chưng cất sẽ làm tăng lượng methanol.

– Do quá trình lên men không kiểm soát được.

Nguyên nhân đầu, pha trộn methanol vào rượu, tôi cho là hão huyền, ít ra là với Việt Nam, bởi chẳng cơ quan nào đi kiểm tra và phạt vạ rượu bán chui vì không đủ độ cồn, để phải pha thêm methanol vào.

Rượu dỏm pha methanol chỉ có bên Tây

Chuyện xảy ra cách nay gần chục năm ở Tiệp, một công nhân trên đường đi xem đá banh, ghé vào một kiốt ven đường mua chai rượu rum (loại rượu nặng 30 – 40 độ cồn, làm từ mía). Anh ta chỉ làm vài ngụm, theo như lời khai, nhưng đã bị nhức đầu đau bụng, và sau đó bị mù.

Bị mù là còn nhẹ. Ở Tiệp cũng thời gian đó, cơ quan y tế ghi nhận 20 người chết, vì uống rượu (nặng) do nhiễm methanol. Scandal này gây chấn động cả khối Đông Âu. Chính phủ Tiệp ban hành ngay lệnh cấm bán rượu trên 20 độ vài tuần để “ổn định tình hình”. Ba Lan cấm nhập, cấm bán rượu từ Tiệp.

Cảnh sát Tiệp bắt 23 tay đầu nậu buôn rượu để điều tra và kết luận đây là rượu dỏm, có pha thêm methanol.

Theo Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO), thì Tiệp đứng hàng thứ 2 thế giới về tiêu thụ rượu mạnh tính theo đầu người. Tổ chức WHO cũng ghi nhận thêm Campuchia, Ecuador, Estonia, Ấn Độ, Indonesia, Kenya, Libya, Nicaragua, Na Uy, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Uganda cũng bị ngộ độc chết người do rượu nhiễm methanol. Đây chỉ là ghi nhận ngộ độc với số tử vong cao thôi, chứ còn lẻ tẻ như ở New Zealand, Úc… coi như chưa kể.

Rượu bia thứ thiệt cũng có methanol

Loại bia rượu mà dân nhậu uống là rượu ethanol. Cồn rửa tay, sát khuẩn cũng là ethanol. Bia, rượu và cồn sát khuẩn khác nhau ở nồng độ ethanol (nồng độ cồn).

Còn rượu methanol làm say xỉn thì ít, mà gây ngộ độc chết người thì nhiều. Trong quá trình lên men, ngoài việc tạo ra rượu ethanol thì một ít rượu methanol cũng được tạo ra ngoài ý muốn. Do đó, bia rượu nào cũng có lẫn methanol trong đó, chỉ ít hay nhiều. Trong bia, methanol có khoảng 6-27 mg/L, và trong rượu (mạnh) từ 10-220 mg/L. Với hàm lượng này thì methanol không gây ngộ độc (1)

Vì sao methanol trong rượu lại cao bất thường?

Có hai nguyên nhân chính làm methanol trong rượu cao bất thường. Đó là do chất lượng men và chưng cất:

1- Do chất lượng men

Theo khảo sát của Elijah Ige Ohimain (Niger Delta University) (2), methanol phát sinh trong quá trình lên men là vấn đề khá phức tạp. Điều này tùy thuộc chủ yếu vào các chủng loại vi sinh. Ngay cả nguyên liệu làm rượu như trái cây cũng có sẵn một ít methanol trong đó rồi.

Methanol có được là do pectin bị các enzyme phân giải thành methanol. Pectin là một là chất xơ tan trong nước, có trong trái cây và ngũ cốc. Còn enzyme phân giải là do các vi sinh vật (men, nấm, vi khuẩn) tiết ra. Mức độ sinh ra methanol nhiều hay ít tùy thuộc vào chủng loại vi sinh, hoặc do men rượu.

Nếu khi lên men lẫn lộn quá nhiều chủng loại vi sinh thì pectin sẽ bị chuyển hoá thành methanol nhiều hơn. Trường hợp này gọi là lên men…hỗn. Elijah liệt kê khá nhiều loại vi sinh cũng các với loại nguyên liệu (mía, nho,…) tạo ra mức sản phẩm phụ methanol cao bất thường này.

Nếu men được tuyển chọn cẩn thận và quá trình lên men rượu được kiểm soát tốt thì sẽ sinh ra rượu ethanol…lành mạnh (chỉ có hại khi uống nhiều), và methanol phát sinh không đáng kể.

Làm rượu ở nhà thường sử dụng men rượu không rõ nguồn gốc và không được chọn lựa cẩn thận, nên không kiểm soát được lượng methanol phát sinh. Nghe đồn thị trường hiện có bán nhiều loại “men thần thánh” xuất phát từ xứ…lạ, có thể làm lên men rượu với nồng độ cao.

2- Do chưng cất

Rượu do quá trình lên men độ cồn thấp, cỡ 10-15 độ, tương tự cơm rượu hay rượu vang. Để có rượu cao độ như Whisky, Cognac.. phải qua chưng cất. Quá trình chưng cất làm tăng độ cồn, nhưng cũng làm tăng lượng methanol (độc). Rượu công nghiệp ít bị nhiễm methanol vì có kỹ thuật kiểm soát lên men và chưng cất tốt.

Đừng nhầm lẫn rượu công nghiệp và cồn công nghiệp. Cồn công nghiệp dùng để sử dụng trong công nghiệp như làm dung môi,..không thể uống được.

Tóm lại, rượu nhiễm methanol ở mức gây chết người do hai nguyên nhân: men và chưng cất. Men đã dỏm lại thêm chưng cất thủ công thì sẽ phát sanh nhiều methanol.

Ở Nam bộ còn một thứ rượu chết người khác, đó là rượu chấm thuốc rầy. Những kẻ buôn rượu bất lương chấm thuốc rầy vào rượu để làm trong và tăng độ nồng của rượu. Rượu thuốc rầy thì chắc WHO không bao giờ ghi nhận được.

Rượu Chí phèo, cháo thị Nở

Điều đáng buồn là methanol lẫn trong rượu không thể nhận diện được bằng màu, mùi hay vị để loại bỏ. Các vụ ngộ độc methanol từ rượu trên thế giới hầu hết đều đến từ cách lên men rượu thủ công ở nhà.

Nghiêm cấm chưng cất rượu tại nhà là điều không dễ. Hồi xưa Tây đoan đi bắt rượu quốc lủi cũng chẳng ăn thua gì. Bây giờ, kiểm soát rượu không được thì cần kiểm soát men rượu không nguồn gốc.

Không có rượu làm gì có mối tình Chí Phèo -Thị Nở.  Chỉ khi say bên tô cháo hành, Chí Phèo mới thấy Thị Nở đẹp. Còn Thị Nở, chỉ khi thấy Chí phèo say, bản năng làm vợ (chăm sóc chồng) của cô mới trổi dậy. Cả hai chợt tỉnh (ngộ): rượu đẹp, cháo đẹp, tình đẹp. Cả hai con người bần cùng đó đã có khoảng khắc với nhau tuyệt đẹp.

Thời nay, Chí phèo dễ kiếm chứ Thị Nở khó tìm. Bởi vậy quý ông cũng chỉ nên uống rượu nhâm nhi vừa phải để nói chuyện đời. Và điều quan trọng hơn là uống rượu phải rõ nguồn gốc.

Vũ Thế Thành

———————————–

(1) http://www.who.int/env…/poisoning/methanol_information.pdf Information note , July 2014 Methanol poisoning outbreaks – 2014

(2) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5028366/#CR71 Methanol contamination in traditionally fermented alcoholic beverages: the microbial dimension

Advertisement
This entry was posted in An toàn Thực phẩm and tagged . Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s