Nỗi niềm của mắm…

Sài Gòn thập cẩm vừa share cho tôi bài “Hũ mắm nêm đi Hương Cảng” của Linh Bảo, viết năm 1958. Bà nhà văn này từng đoạt văn chương toàn quốc năm 1961(miền Nam), và có thời đã sống ở Hương Cảng.

Vũ Thế Thành

Tôi không phải nhà sản xuất mắm, chỉ dây dưa vào mắm từ hồi nước mắm thạch tín (2016). Kể từ đó, cứ như kiếp trước phụ rẫy tiểu thư nhà mắm nào đó, kiếp này trả nợ.

Mà mắm thì thiên hình vạn trạng. Mắm lỏng thì có nước mắm cá cơm, nước mắm ruốc. Mắm “đặc” thì có mắm cá lóc, mắm cáy, mắm cua. Mắm sền sệt thì có mắm tôm, mắm ruốc. Còn nửa lỏng nửa đặc thì có mắm nêm.

Nói tới mắm là nói tới mùi. Mùi mắm lạ lắm. Cùng một loại mắm ruốc, mắm nêm mà mỗi nơi, mùi mỗi khác. Chịu rồi là ghiền. Mùi mắm xứ mình là nhứt, là thượng hạng. Bởi vậy, mắm là thứ văn hóa ẩm thực có tính đặc trưng vùng miền cao nhất, nhưng ít ai chịu tìm hiểu.

Ngữ Yên rủ tôi viết chung quyển sách về mắm, cùng với đám “lâu la” ẩm thực một thời của y. OK, vậy thì viết trước đi, tôi sẽ bổ sung phần khoa học về mắm, và điểm xuyết thêm về văn hóa, nếu cần. Chẳng biết bên phe Ngữ Yên viết tới đâu, nhưng tới giờ vẫn chưa có bài nào gửi tới. Chẳng lẽ mắm đi đời nhà mắm!

Thời gian “cách ly xã hội” tôi cũng có vài kế hoạch viết sách. Viết tùy bút ngẫm chuyện đời thì coi như gãy tay rồi, ký ức chồng chất càng nhiều, càng không muốn viết, gần hai năm nay viết không nổi – Viết về an toàn thực phẩm như lâu nay, đụng chạm nhiều quá, bọn buôn bán “xảo quyệt văn hóa” chúng mạt sát tàn tệ. Nghĩ thế, nên mới định viết về khoa học ẩm thực để lấy lòng.. mấy bà nội trợ. Như thế lành (lặn) hơn.

Tưởng đâu thời gian cách ly, tịnh cốc sẽ xả ra hết. Nhưng không, chỉ nằm đọc. Đọc riết quen thói. Đọc như đang lục lọi đống sách cũ, bạ thứ gì, bốc thứ nấy, Đông Tây kim cổ đủ loại, từ Bách Gia chư tử đến Lịch sử văn minh Á Rập của W. Durant. Và mới đây là A lifetime in the eye of the storm. Toàn là những quyển đọc rồi. Đọc lại vỡ ra nhiều hơn. Chẳng ai tắm hai lần ở dòng sông cùng một thứ nước cả.

Đọc mờ mắt thì vào web Sài Gòn thập cẩm láo lếu vài dòng để gọi là có…cộng tác, hay chát chít vài câu với bè bạn, có khi, run tay lầm lẫn, gửi người này, xọ người kia. May mắn, đó là những lầm lẫn trong sáng.

Rồi có người phương xa gửi tặng…hủ mắm, theo đường bưu điện hẳn hòi, kèm thư viết tay, “ Gửi biếu chú vài hũ mắm chà, sản phẩm mới của công ty cháu. Chú dùng thử rồi cho ý kiến giúp cháu”. Miệng thì cám ơn, nhưng bụng làu bàu,… đang mùa ôn dịch thổ tả phải cách ly, gửi rượu không gửi, lại đi gửi mắm. Đúng là nghiệp chướng (mắm)! Phone cho Ngữ Yên đến nhậu. Cũng bày biện mắm và rượu ông già chống gậy hẳn hòi. Nhân tiện, chia cho Ngữ Yên hũ mắm chà mang về biếu vợ. Vợ y khen ngon, y cũng (phải) gật theo.

Trở lại với “Hũ mắm nêm đi Hương Cảng” của bà Linh Bảo viết từ năm 1958, hơn 60 năm rồi đấy. Chuyện kể, mắm nêm được yêu thương ở quê nhà, nên mới được gửi cho người đồng hương xa xứ như một chút tình. Tiếc thay, mắm lại bị hắt hủi nơi xứ người. Nỗi niềm của mắm nêm tự sự như thế qua ngòi bút của Linh Bảo.

Mắm (nói chung) không đẹp kiêu sa lộng lẫy, không tỏa hương quý phái nơi bàn ăn phủ khăn trắng. Mắm chỉ như thiếu nữ quê mùa, nước da ngăm ngăm, màu nắng gió tảo tần, nhưng có duyên ngầm. Duyên ngầm thì e ấp, và chỉ những ai hiểu được giá trị của duyên ngầm mới thưởng thức được mùi vị của mắm và yêu thương nó.

Thôi, mời đọc “Hũ mắm nêm đi Hương Cảng” của Linh Bảo để hiểu nỗi niềm của mắm.

Vũ Thế Thành


Đọc : Mắm nêm đi Hương Cảng của Linh Bảo

This entry was posted in Tùy bút Vtt and tagged . Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s