Đã 5 năm trôi qua rồi, kể từ vụ lùm xùm vụ nước mắm thạch tín (10/2016), dân tình hoảng loạn, nhà thùng xanh mặt. Bây giờ thì ai cũng biết, arsenic trong nước mắm là vô hại
Vũ Thế Thành

Không chỉ với nước mắm, mà arsenic trong thủy sản nói chung, tôm cua cá biển mực bạch tuộc, thậm chí các loại rong biển.. là loại arsenic hữu cơ được xem là vô hại.
Thật ra trong thủy sản, tồn tại cả hai loại arsenic hữu cơ và vô cơ, nhưng loại vô cơ chiếm rất ít, không đáng kể.
Thế tại sao lại đánh đồng arsenic hữu cơ (vô hại) với arsenic vô cơ (có hại) trong nước mắm? Không phải người ta cố tình hiểu sai đâu, mà là không hiểu, nên mới tưởng nhầm. Từ tưởng nhầm tới tưởng bở chỉ là gang tấc.
Bài bên dưới giải thích vì sao lại có sự tưởng nhầm tai hại này (Vtt)
=========================
Vì sao “người ta” lại lầm lẫn thạch tín với arsenic hữu cơ trong nước mắm?
Arsenic là tên một nguyên tố hóa học, nhưng cũng là tên gọi chỉ chung các hợp chất của asernic. Hợp chất arsenic thì có nhiều, nhưng thường được chia thành hai loại: arsenic vô cơ và arsenic hữu cơ.
Trong phân tích hóa học, người ta quy ước, tất cả hợp chất asernic, bất kể ở dạng hữu cơ hay vô cơ, đều được chuyển thành dạng trioxide asernic (As2O3). Asernic hữu cơ trong nước mắm khi phân tích, kết quả cũng được thể hiện ở dạng trioxide asernic theo thông lệ.
Nghiệt nỗi, trioxide asernic (As2O3) là chất có thật trên cõi đời này, và chính nó là thạch tín (As2O3). Người ta nhìn vào kết quả phân tích nước mắm, thấy lượng As2O3 vượt trên mức quy định (mà không hiểu rằng đó là quy đổi từ arsenic hữu cơ). Thôi tới số chúng mày rồi, nước mắm truyền thống dám đầu độc người dân cả trăm năm nay bằng thạch tín! Họ quên mất cái logic đơn giản nhất trong ẩm thực truyền thống. Đó là, ông cha mà bị nước mắm thạch tín đầu độc, thì lúc này làm gì có họ mặt trên cõi đời này!
Cơn bão arsenic được thiết kế rất bài bản: Tạo khủng hoảng – ở đây là gây sợ hãi cho người tiêu dùng bằng nước mắm thạch tín, sau đó là đưa ra giải pháp. Giải pháp đó là nước mắm của họ không có thạch tín.
Ngay sau khi Vinastas công bố nước mắm nhiễm thạch tín, nhiều tờ rơi quảng cáo, “Nói không với thạch tín”, “Nước mắm sạch”, “Nước mắm không thạch tín”… được phát ra khắp các hang cùng ngõ chợ, khắp tỉnh thành… Thậm chí, cả tuần sau khi cơn bão đã tan, đuôi bão vẫn còn; một số báo vẫn còn tiếp tục đăng quảng cáo nước mắm không thạch tín. Hợp đồng quảng cáo chưa hết hạn mà, phải không?
Vũ Thế Thành
(trích chương II – Đoạn trường nước mắm, trong sách “Chuyện đời nước mắm, tái bản 2020)