Cái tựa ấy bị nhiều người dị ứng. Những người muốn giữ chắc cái khuôn luân thường. Nhưng trên cái trục biểu kiến thì Vũ Thế Thành có thể gọi người già bằng thằng, vì cùng trang lứa. Trên cái trục mẹ – con thì những thằng (con) già nhớ mẹ cũng chẳng luân thường lắm ru!
Công Khanh (báo Thế Giới Tiếp Thị)
Nguồn: Thế Giới Tiếp Thị
Tập tạp bút (personal essay) Những thằng già nhớ mẹ của một kẻ chỉ chuyên cái ngôn ngữ 2+2=4 lại đầy ắp những nhát cắt cuộc sống sinh động, co dãn. Chẳng hạn cách ông vẽ chân dung một ông thầy giáo dạy “Việt văn” trước năm 1975 trong Ông thầy Việt văn.
Tuy không chuyên viết, nhưng Vũ Thế Thành có cái giọng riêng. Nhật Chiêu gọi đó là giọng ngang tàng. Và một kẻ tửu lượng chừng ba hột rượu đã say, mà lại thường xuyên, qua những bài viết, dùng tửu dĩ tải văn, tửu dĩ tải luôn cả đạo. Bàng bạc từ Con gái rượu qua Huynh đệ tương phùng, ba chén rượu. Khiến cho người ta có cảm nghĩ: nếu ông ta mà đi làm marketing cho các hãng rượu thì cũng thuộc hàng số má.
Bắt đầu từ một biến cố mất mẹ, tác giả suy tư lại thân phận của mình qua cái trục 1975, những cảnh ngộ dọc theo đường đời của một kẻ mất nhiều thời gian đeo đuổi việc nghiên cứu, tù quẩn với những công thức, bị trói bởi sự chính xác. Và cô đơn – khởi thuỷ của văn chương. Có lẽ mảnh đất nhỏ khoảng trăm trang ấy là cái xú páp để ông ta giở giọng ngang như cua như phải kiếm cho được hoa mắc cỡ trồng dưới chân bụi trúc để tự răn đe mình, kẻ quân tử cũng có lúc sai cần phải biết mắc cỡ (Câu chuyện trồng hoa).
Cái đề tài khiến tôi tâm đắc nhất, tuy đã được nhiều người luận lên luận xuống, luận lăn luận lóc, là một Vũ Thế Thành “xưng tội” với nhân gian về “Già đầu còn mê nhạc sến”. Một người làm khoa học thay vì đi mê nhạc sang như nhạc cổ điển phương Tây lại đi mê nhạc “sến” mà hồi trẻ tôi từng mê nhưng xấu hổ không dám thú nhận. Bài viết nó đẩy tôi về cái thời làm rẫy cứ nghe đứa em trai kề phác rẫy bên cạnh lảm nhảm: “Lội bùn nhơ băng lau lách sương đêm…”
Nhạc cũng là một yếu tố men cho những tạp văn của Thành. Những câu mưỡu đầu các bài viết cũng thường được lẫy ra từ các bài nhạc, rồi đến đoạn tự sự tả lại nỗi sợ hãi của mình khi phải vượt qua để xác định là mình mê nhạc sến – Già đầu mới mê nhạc sến. Thực ra, ông ta bắt đầu bị nhạc sến “thuốc” từ những năm 18, 20, nhưng đến già mới ngộ được tại sao mình lại sợ hãi khi thú nhận mình mê thứ nhạc đó. Đó là còn biết trồng hoa mắc cỡ khi thấy mình bỏ qua một thứ nghệ thuật đầy ắp tính nhân văn và đơn sơ đến độ… sến chảy.
Chỉ có một điều hơi lạ là khi nói về tình yêu, tác giả lại để mình thuộc diện alibi, làm kẻ ngoại phạm, chứ không giống như nhiều người viết khác kể hết chuyện tình này đến chuyện tình khác; có khi còn “chôm” bản quyền mối tình của kẻ khác.
Tạp bút của Thành là một chuỗi những sự kiện được xâu kiểu này hay kiểu khác, nhưng vẫn giữ được sự chân thật của kẻ làm khoa học biết trồng hoa mắc cỡ. Đọc xong bạn cũng có thể “phang côn bữa củi” cùng tác giả nếu thấy ngứa ngáy ở http://vuthethanh.com
Công Khanh (Báo Thế Giới Tiếp Thị)
.