Thành công trong phòng nghiên cứu mới chỉ là đi được 1/3 đoạn đường. Triển khai được trong sản xuất với mức độ ổn định cao thì qua thêm được 1/3 đoạn đường nữa. 1/3 quãng đường còn lại thuộc về thị trường có chấp nhận hay không, chấp nhận cả về chất lượng lẫn giá cả.
Vũ Thế Thành

“.. Ít người thấy được tỉ lệ số công trình (nghiên cứu) có tác dụng thật sự để phát triển kinh tế, kỹ thuật, y tế và nông nghiệp” (GS Dương Minh Đức)
Trong bài này, tôi không đề cập đến những dự án nghiên cứu ở tầm mức quốc gia, được chính phủ tài trợ, có tính chiến lược nhằm định hướng phát triển kinh tế đất nước, hay vì mục tiêu lợi ích công cộng, chẳng hạn dự án tiết kiệm năng lượng, đòi hỏi phối hợp của nhiều ban ngành. Những sản phẩm nghiên cứu “đồ sộ” như vậy không phải là không có tiềm năng thương mại, nhưng cũng như nhiều nước khác trên thế giới, đòi hỏi một quá trình lâu dài và kiên nhẫn. Chỉ xin bàn đến những sản phẩm nghiên cứu đang phải đối mặt với luật chơi của thị trường.
Những sản phẩm nghiên cứu nho nhỏ…
Có một điều chắc chắn, hiện nay các nhà sản xuất trong nước đang bí công nghệ kinh khủng. Công nghệ ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, có thể đó là những sáng kiến hay cải tiến nhỏ giúp cho sản phẩm của họ tăng sức cạnh tranh, và cũng có thể đó là sản phẩm mới, đáp ứng thị hiếu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng trong nước.
Nhớ lại hồi đầu năm ngoái, cả nước như lên cơn sốt về vụ “Formol trong bánh phở”. Tạm gác sang một bên vấn đề hàm lượng vết của formol như vậy có hại cho sức khỏe người tiêu dùng hay không. Vấn đề là formol không nằm trong danh mục phụ gia được phép sử dụng . Như vậy phải dùng chất gì thay thế, để bánh phở không những bảo quản được trong ngày, mà còn dẻo còn dai? Một vị tiến sĩ của một trường đại học phát biểu, chỉ cần dùng gạo mới (hàm lượng gluten còn cao) là bánh phở dẻo dai. Nhưng giải pháp này không thực tế, vì đâu phải lúc nào gạo mới cũng có sẵn, giá gạo cũ lại có khi rẻ hơn. Một công ty của Nhật “đánh hơi” và cũng nhập cuộc với chất bảo quản dạng lỏng, nhưng cũng nhanh chóng bị đánh bật ra khỏi thị trường vì giá cả… trên trời. Vấn đề dẻo dai trong bánh phở vẫn còn đang bỏ lửng… chờ các nhà nghiên cứu.
Trong một đất nước, mà phát triển công nghiệp còn quá khiêm tốn như Việt Nam, thì những sáng kiến nho nhỏ như vậy có nhu cầu rất lớn. Cứ đi xuống các nhà máy thì sẽ biết các nhà sản xuất đang gặp muôn vàn khó khăn cần giải quyết: Làm thế nào để nước rau má đóng hộp, sau một thời gian tồn trữ không bị đóng cặn. Làm thế nào để sợi mì gói (mì ăn liền) được dai hơn. Làm thế nào để công suất động cơ không thay đổi, mà lại tiêu thụ điện ít hơn,… Còn rất nhiều, nhiều lắm… không chỉ là nhu cầu cải tiến sản phẩm, mà còn cần cho ra đời những sản phảm mới. Nhà sản xuất tiên đoán được nhu cầu, thị hiếu của thị trường, nhưng vẫn còn loay hoay…
Mức cầu khủng khiếp, còn cung thì sao?
Dù muốn lảng tránh, nhưng không thể không thừa nhận một thực tế rằng, không ít những sản phẩm nghiên cứu xuất phát từ các trường đại học, hay các viện này trung tâm nọ đã không thành công, khi triển khai trong sản xuất hay ở đích cuối cùng là thương mại hóa. Dĩ nhiên, có nhiều lý do để giải thích: có thể tại thiết bị sản xuất không đáp ứng, có thể tại nguồn nguyên liệu trong nước không tiêu chuẩn, có thể tại năng lực marketing của nhà sản xuất còn yếu, và cũng có thể tại… Trời.
Một xí nghiệp chế biến thực phẩm trong nước than phiền: “Đấy cả dây chuyền sản xuất do viện X thiết kế và chế tạo luôn, trị giá cả 3 tỉ bạc, chạy không ra sản phẩm nổi. Như thế cả hơn năm nay rồi. Nghe đến tên viện X. là tôi thấy ớn”.
Một nhà sản xuất khác thở dài: “Khi đến, họ trưng ra cả dự án toàn những tiến sĩ này, nhà khoa học nọ trong ban nghiên cứu. Lại có cả nghiệm thu công trình hẳn hòi. Thế nhưng, vẫn không thể triển khai sản xuất quy mô được vì mức tiêu hao lớn quá. Xí nghiệp tốn biết bao nhiêu là tiền của…, nhưng vẫn chẳng đi tới đâu”.
Một công ty dịch vụ của Mỹ mới đây bước chân vào thị trường Việt Nam với hơn 80.000 sáng kiến “nho nhỏ” có sẵn. Những sáng kiến này đã từng giải quyết được việc cho rất nhiều nhà sản xuất trên thế giới. Nếu yêu cầu của khách hàng nằm ngoài 80.000 sáng kiến sẵn có, thì công ty cũng sẵn sàng nhận tìm cách giải quyết, vì sau lưng họ là cả một mạng lưới cộng tác viên nghiên cứu, mà họ biết rất rõ, ai có đủ năng lực đưa ra giải pháp tốt nhất để… nhờ vả. Có những sáng kiến họ bán, dĩ nhiên được việc mới lấy tiền, và có những sáng kiến… cho không, nhưng những nguyên liệu sử dụng cho giải pháp đó, họ đề nghị mua của nhà cung ứng chỉ định.
Những nhà nghiên cứu… chui
Gọi thế cho vui…, chứ gọi đúng bài bản, đó là những nhà nghiên cứu độc lập, có thể đó chỉ là cá nhân, có thể đó là một êkíp hiểu rõ năng lực của nhau. Họ nắm bắt được yêu cầu của nhà sản xuất, và tự thấy rằng mình có khả năng giải quyết được, nên tự bỏ tiền túi ra để thí nghiệm. Nhờ uy tín hoặc mối quan hệ có sẵn với nhà sản xuất, khi chín mùi họ xin được thử nghiệm ngay trên dây chuyền.
Có thể thành công, cũng có thể thất bại. Nhưng có điều, nếu thấy còn cơ may, họ còn quyết tâm đeo đuổi đến cùng, vì đó là công trình của riêng họ. Họ tâm niệm: Nói ít làm nhiều, và phải làm được việc. Đơn giản, họ phải đối diện với thực tế: thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu là phải có lợi cho nhà sản xuất, phải sinh lãi.
Thành quả của họ có thể được trả bằng cách bán đứt công nghệ, hoặc chia lãi theo tỉ lệ trong một khoảng thời gian nào đó.
Những nhà nghiên cứu “chui” này thường chỉ hợp tác được với những công ty tư nhân mà thôi. Còn với những nhà sản xuất quốc doanh, họ lại đụng phải bức tường… cơ chế tài chính.
Nhìn lại từ một thực trạng…
Tôi cứ ngẫm nghĩ về bài viện KIST (viện Nghiên cứu theo hợp đồng của Hàn Quốc) đăng trên Tia Sáng cách nay 7, 8 tháng. Hồi mới thành lập viện (khoảng năm 1964), ông viện trưởng đã gặp phải chuyện eo xèo, vì lương của nghiên cứu viên cao hơn cả lương giáo sư đại học, thậm chí còn hơn cả lương tổng thống. Ông viện trưởng đã giải trình “… Thưa tổng thống, ngài có thể hạ lương tôi, nhưng xin đừng bớt lương của nghiên cứu viên”. Viện KIST đã góp phần không nhỏ trong việc đổi mới bộ mặt công nghệ của Hàn Quốc được như ngày nay.
Điều tôi muốn nói ở đây, không phải là chuyện lương, mà chính là thái độ trân trọng của người lãnh đạo viện. Ông đã khẳng định được cốt lõi của vấn đề, đó là thành công hay thất bại của viện KIST hoàn toàn tùy thuộc vào các nghiên cứu viên (do chính ông tuyển chọn). Vai trò của viện trưởng và các nhân viên khác trong viện là phải tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nghiên cứu viên hoàn thành công việc, chứ không phải là quản lý theo kiểu thủ trưởng và nhân viên, hoặc “ăn theo” các công trình nghiên cứu về danh hay về lợi.
Trong những năm tháng còn bao cấp, các viện, trung tâm nghiên cứu ở nước ta thường phải ôm đồm đủ thứ nghiên cứu lớn nhỏ của ngành. Đề tài nghiên cứu thì cứ nghiên cứu…, đủ cách đối phó để thông qua, và lắm khi chẳng cần biết công trình đó ứng dụng có hiệu quả hay không (ổn định hay thất thường trong sản xuất), và có kinh tế hay không. Nghiên cứu viên trở thành thợ… nghiên cứu, và tà tà chờ đến lượt đi tu nghiệp nước ngoài.
Một số đề tài nghiên cứu cấp bộ, hay cấp Nhà nước liệu thực sự có đạt tầm cỡ chiến lược chưa, và liệu có phù hợp với trình độ công nghệ còn non trẻ của Việt Nam? Hay là đề tài được đặt ở vị trí quá mức cần thiết?
Ranh giới giữa thực sự và quá mức cần thiết ở tầm chiến lược của một sản phẩm nghiên cứu, tiếc thay, lại tùy thuộc vào nhận định chủ quan của mỗi người.
Nhưng nếu, một đề tài nghiên cứu “quá mức cần thiết” về chiến lược, thì sản phẩm đó phải đối diện với một thử thách không chần chừ, đó là có thương mại hóa được hay không.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường, thì hiệu quả thực tế của công trình nghiên cứu ở các viện, trung tâm hẳn cũng đã được chú ý nhiều hơn. Nếu thế, thì vai trò cốt lõi của nghiên cứu viên cần phải được trân trọng. Sự đãi ngộ cũng phải xứng đáng với công sức của họ, cả về danh cũng như lợi.
Và nghiên cứu viên cũng phải được tuyển chọn đúng năng lực. Họ cũng cần bước ra khỏi tháp ngà kinh viện khiêm tốn, lắng nghe những yêu cầu cụ thể của sản xuất, của công nhân, nắm bắt yêu cầu của thị trường (đối với sản phẩm mới), và phải đeo đuổi, giải quyết bằng được, cho đến khi sản phẩm nghiên cứu được thị trường chấp nhận, mới tạm xem đó là thành công.
Người ta có thể còn bất đồng với nhau về việc, như thế nào mới là một sản phẩm nghiên cứu được thương mại hóa. Nhưng với đất nước có nền công nghiệp còn non trẻ quá như Việt Nam, thì ngoại trừ những nghiên cứu ở tầm cỡ quốc gia, hay phục vụ công ích, còn những sản phẩm nghiên cứu khác, nếu không thương mại hóa cụ thể được, nghĩa là không sinh lợi cho sản xuất hay dịch vụ, thì tốn công, tốn của nghiên cứu để làm gì?
Vũ Thế Thành
.