Khi tôi viết những dòng này, cô ba Sài Gòn đang thời thượng bởi một bộ phim mang tựa đề y như thế. Bộ phim mang tham vọng phục chế lại một Sài Gòn ngày ấy, trong đó có một cô Ba rất Sài Gòn. Và đã phá sản…
Công Khanh (Thế Giới Tiếp Thị)
(Đọc “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ” của Vũ Thế Thành)
Phục chế lại Sài Gòn ngày ấy bằng hình ảnh coi bộ nhiêu khê. Phục chế lại Sài Gòn bằng chữ nghĩa coi bộ khả thi hơn, nhưng cũng chẳng dễ. Bằng cớ là người ta đang dựng lên một loạt Sài Gòn qua các cuốn sách chỉ “nghe nói thế” về Sài Gòn và copy/paste. Phim đã ít chất Sài Gòn, mà sách cũng ít chất Sài Gòn.
Mà chất Sài Gòn là gì? Là máu Sài Gòn. Nhưng cuốn “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ” lại là chuyện khác… Nếu có phép đo máu Sài Gòn nào đó chính xác, người ta đem đo máu Sài Gòn trong con người của ông Vũ Thế Thành, tác giả cuốn sách vừa nói ở trên còn nóng hổi như tiếng rao bánh mì buổi sáng: “vừa thổi vừa ăn”. Kết quả có lẽ sẽ hiện lên đến… 90%.
Vì rằng phải có máu Sài Gòn cỡ đó ông mới viết nổi những câu chuyện rất Sài Gòn, mặc dầu ông chẳng tí ti ông cụ nào gốc Sài Gòn. Ông chỉ là dân chín nút. Phải có máu Sài Gòn mới nhặt được từ cái tỉn nước mắm và nhớ thương ông bán mắm dạo thuở ấy, đến sự bao dung của một vùng đất sẵn sàng dung chứa tất cả những người không phân biệt sang hèn đến nương nhờ, chẳng đòi hỏi “Sài Gòn tịch”.
Đến những người thầy trong cái giáo dục khai phóng thích học trò nói ngược; qua đó ông nhắc đến điển tích Phượng Cầu Hoàng mà ông học trong Bích Câu Kỳ Ngộ – một chuyện tình trai gái mà những học sinh đệ lục thời đó chưa trải mùi; qua đó ông phản biện về chuyện dụ trai của Giáng Kiều.
Đến ông thầy Việt văn bị vặn vẹo về câu thơ Nguyễn Khuyến: “Sóng biếc theo làn hơi gọn tí” nhưng sao “lá vàng trước gió khẽ đưa vèo” được.
Đến nỗi nhớ Sài Gòn của bản thân ông khi ở Đà Lạt xa 300 cây số và tình yêu Sài Gòn của người bạn nửa vòng trái đất nửa đêm gọi điện thoại về than: “Tao nhớ Sài Gòn chết… mẹ”.
Đến cà phê vỉa hè và nhạc sến, tức nhạc boléro và habanera; thứ nhạc mà hiện nay ai một thời hơi vang bóng, thấy mình bị lãng quên và thiếu gạch đá cất nhà thì hãy đứng ra chê nó… sến, nhạc của giới bình dân, nhạc của mấy đứa ở gánh nước phông tên, v.v.
Phim Cô Ba Sài Gòn là một điển hình cho cái phá sản về Sài Gòn. Ở đất Sài Gòn, ít ai có thể quên tiếng tăm cô Ba “xà bông” bởi vẻ đẹp nức tiếng. Cô ba Thiệu trở thành một thứ biểu tượng “Sài Gòn” sau khi là hoa hậu trong cuộc thi nhan sắc đầu tiên của cố đô công nghiệp này và hình ảnh cô trở thành logo của hãng xà bông Việt Nam do ông Trương Văn Bền sáng lập. Phim Cô Ba Sài Gòn bị chê tơi bời. Một cô bạn ghi trên Facebook: “Hôm qua coi Cô Ba Sài Gòn. Nhắn ai đang có ý định đi coi, thì đừng mang theo tình yêu Sài Gòn đến rạp. Ai mang theo, thất vọng ráng chịu… Phim không được làm bằng tình yêu Sài Gòn đâu, đừng kỳ vọng điều gì lớn lao…”
Nhiều tác giả viết về Sài Gòn nổi tiếng như Bình Nguyên Lộc cách đây non nửa thế kỷ, Lê Văn Nghĩa gần đây. Một nhà phê bình đã phải ca ngợi Bình Nguyên Lộc qua hình ảnh: “Làm sao mường tượng được Hàng Châu nếu không có Tô Đông Pha. Một thành phố dù đẹp đến đâu, nhưng nếu văn chương chẳng đoái hoài, rồi cũng sẽ “cát bụi trở về với cát bụi”. Nếu Platon không nhắc đến Atlantide, liệu ảo thành này có “sống còn” đến ngày nay…”1 Bình Nguyên Lộc đã nhận ra “bản lai diện mục của thành phố sinh ra từ một dòng sông, chưa kịp có dĩ vãng…” Lê Văn Nghĩa cũng nổi tiếng một phần nhờ kể chuyện về Sài Gòn đầu những năm 1960 qua các tác phẩm “Mùa hè năm Petrus”, “Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy” và “Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ”.
Nhưng Vũ Thế Thành có một giọng kể về Sài Gòn khác biệt. Khá là “phang côn bửa củi”, tức là hơi đường phố kiểu “dân đi đâu cũng cầm côn sẵn sàng phang” (bây giờ chỉ có hướng đạo là còn cầm côn, bọn côn kia cầm thứ khác); nói là ngang tàng thì hơi nhẹ. Có lúc cũng đầy chất triết lý qua suy tư cuộc sống thường nhật, qua men rượu lúc chưa tới bến. Có lúc cũng rào trước đón sau theo căn tính của một người chuyên viết về khoa học và bị nhiễm Einstein.
Có thể nói nếu đã có một cô Ba Sài Gòn, thì đây cũng là một thứ anh Hai Sài Gòn. Nói thế có quá không?
Công Khanh (báo Thế Giới Tiếp Thị)
http://tiepthithegioi.vn/loi-song/van-hoa/mot-thu-anh-hai-sai-gon/
Reblogged this on Những thằng già nhớ mẹ.
LikeLike
Dạ, cho con hỏi, sách này đã phát hành chưa ạ? Con có thể liên hệ ở đâu để mua? Con cảm ơn.
LikeLike
Khoảng 2-3 ngày nữa. Bạn có thể theo dõi trên fb của tôi . Thanks – https://www.facebook.com/vu.thethanh.1
LikeLiked by 1 person