Cái không đổi thay là núi là sông, cái đổi thay là đám người vãng lai. Cái không đổi thay là trời đất cứ đúng thời lại sang mùa, cái đổi thay là tình người ấm lạnh. Cái không đổi thay là thời gian bay như tên, cái đổi thay là nhân tình thế thái.
Lê Thanh Dũng lược dịch
...Người ta hay bảo rằng vào cái tuổi 50, 60 thì chẳng còn gì đẹp. Sai lắm lắm! Mãn chiều xế bóng mới là cái tuổi đẹp nhất, êm ả và thong thong, chẳng gì đẹp bằng ráng đỏ trời chiều.
Cái đẹp của trời chiều là cái đẹp yên tĩnh, không huênh hoang, không giả tạo. Cái đẹp của cuộc sống không ở tuổi mới lớn, không ở tuổi thanh xuân, nó như trời chiều, như vẻ đẹp ngời ngời bùng lên khiến người ta trầm trồ tấm tắc.
Về già, người ta càng ưa yên tĩnh, thích trầm tư, hay ngồi một mình suy ngẫm, những ý nghĩ phóng như bay trên những nẻo đường không gian và thời gian trong quá khứ.
Không còn nữa cái điên rồ của tuổi mới lớn, không còn nữa cái bồng bột của tuổi tráng niên, cũng chẳng còn sự xốc nổi ham giành giật trong cơn hiếu thắng…
Nhưng lại thêm sự ấm áp được chắt lọc qua dông bão, thêm sự ung dung nhìn xuyên suốt cảnh đẹp mọi nơi, thêm thấu hiểu lẽ đời.
Nhìn lại chặng đường mấy chục năm đã đi qua, nhìn thấy nhiều rồi, nghe thấy nhiều rồi, từng trải qua quá nhiều chuyện rồi, vì thế bây giờ mọi thứ đều thấy nhàn nhạt.
Thong dong suy xét, thản nhiên với mọi chuyện, tất cả đều tuỳ duyên, thế là sướng.
Già rồi, bôn ba và buồn bã là chuyện đã qua. Cách “sống chậm” của tuổi già là nên cảm nhận được hạnh phúc trong sự biết đủ.
Sống như mình thích, thuận theo tự nhiên, gửi tình cho sông núi, dửng dưng trước danh lợi, biết buông xả, yêu đời, biết thương biết xót, già mà không suy, tuổi cao thân mạnh, sống lương thiện đến trọn đời.
Sớm đến công viên xem tập thể dục hoặc mở máy ghi âm ra nghe nhạc hay, nghe một hồi, cất tiếng hát theo.
Rồi tán dóc với mấy lão già, nói cười thoả thích.
Tróc da sầy vảy, lăn lộn mấy chục năm trời.
Cái không đổi thay là núi là sông, cái đổi thay là đám người vãng lai. Cái không đổi thay là trời đất cứ đúng thời lại sang mùa, cái đổi thay là tình người ấm lạnh. Cái không đổi thay là thời gian bay như tên, cái đổi thay là nhân tình thế thái.
Già rồi, hiểu rồi, cho nên nhẹ lòng, dằn vặt khổ đau làm sao sướng được.
Sống giữa những cái thay đổi và không thay đổi, cốt sao luôn giữ được mình là mình.
Nắng chiều nhuộm nửa vòm trời, rực rỡ muôn màu. Tuyệt đẹp. Tựa như ta hồi tưởng lại những năm tháng nhiệt tình cháy bỏng. Bởi vì ta đã từng đẹp, hơn nữa bây giờ lại đang sống trong quãng đời đẹp nhất, vậy thì sống cho vui, sống cho khoẻ, chả có gì là đáng với không đáng, chả có gì phải sợ.
(Viết minh hoạ cho chùm ảnh trời chiều)
Tác giả khuyết danh- Lê Thanh Dũng lược dịch
Tựa đề “Non xanh vẫn còn đó, Hoàng hôn đỏ bao lần!” được đặt theo 2 câu thơ trong bài “Lâm Giang Tiên” của Dương Thận (1488—1559), được sử dụng làm khúc hát dạo đầu phim Tam Quốc Diễn Nghĩa.
Lâm Giang Tiên
Cổn cổn Trường Giang đông thệ thủy
Lãng hoa đào tận anh hùng
Thị phi thành bại chuyển đầu không
Thanh sơn y cựu tại
Kỷ độ tịch dương hồng
Bạch phát ngư tiều giang chử thượng
Quán khán thu nguyệt xuân phong
Nhất hồ trọc tửu hỷ tương phùng
Cổ kim đa thiểu sự
Đô phó tiếu đàm trung
******
Dịch ý (Lê Thanh Dũng)
Tiên trên bãi sông
Trường giang cuồn cuộn chảy về đông
Bọt sóng đào thải hết anh hùng
Phải trái được thua thành hư không
Núi xanh vẫn còn đó
Bao lần hoàng hôn đỏ
Dân chài tóc bạc trên bãi sông
Nhìn quen trăng thu gió xuân
Gặp nhau một bình rượu đục
Bao nhiêu chuyện xưa nay
Đều gửi vào câu nói tiếng cười
Tiên trên bãi sông
(Lê Thanh Dũng dịch thơ)
Trường giang cuồn cuộn chảy về đông
Sóng nước xô trôi hết anh hùng
Phải trái được thua đều xoá sạch
Non xanh vẫn còn đó
Hoàng hôn đỏ bao lần
Bạn chài tóc bạc ở ven sông
Quen nhìn gió mát với trăng trong
Vui vẻ gặp nhau bình rượu mộc
Xưa nay bao chuyện trên đời
Gửi theo câu nói tiếng cười mà bay.
.
Reblogged this on Những thằng già nhớ mẹ.
LikeLike