Thực phẩm sạch dành cho ai?

thuc-pham-sach-1“Thực phẩm sạch dành cho ai?” là chủ đề thảo luận do báo điện tử Soha tổ chức ngày 28/12 tại Sài Gòn. Nhưng thực phẩm sạch là gì, thuộc đẳng cấp cỡ nào, quý phái cỡ nào mà phải đặt câu hỏi dành cho ai. Chẳng lẽ cả triệu người đang “ăn để sống” với bữa cơm 15.000 đồng/phần không có quyền tiếp cận thực phẩm sạch hay sao?

Vũ Thế Thành

Thực phẩm sạch có phải là đẳng cấp?

Tất cả mọi công dân đều có quyền tiếp cận thực phẩm sạch. Đó là quyền lợi của mọi người dân mà Nhà nước có nghĩa vụ phải bảo vệ như pháp luật quy định.

Tất cả mọi công dân đều có quyền tiếp cận thực phẩm sạch. Đó là quyền lợi của mọi người dân mà Nhà nước có nghĩa vụ phải bảo vệ như pháp luật quy định.

Trên thế giới không có định nghĩa về thực phẩm sạch (clean food), mà chỉ nói về thực phẩm lành mạnh (healthy food), chẳng hạn ăn nhiều rau quả củ tốt cho sức khỏe hơn là ăn thịt nướng, gà chiên,…

Thực phẩm, kể cả nông sản, một khi đã lưu hành ngoài thị trường đều phải đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm của nước sở tại. Không tuân thủ quy định là lôi thôi với pháp luật ngay, chứ không có sạch hay bẩn gì ở đây cả. Bởi vậy Quốc hội mới làm Luật An toàn toàn thực phẩm, Chính phủ mới ban hành đủ mọi quy định từ nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, thuốc trừ sâu diệt cỏ, kháng sinh, hormone,… cho tới quy định dán nhãn, hạn dùng…

Nhưng việc thực thi những quy định về an toàn thực phẩm không nghiêm túc, từ nhà sản xuất đến cơ quan hữu trách, nên người tiêu dùng mới lãnh đủ. Lại thêm các phương tiện truyền thông hù dọa quá mức cần thiết, ăn thứ này bị nhiễm độc, ăn thứ kia bị ung thư, người tiêu dùng hoảng sợ…Từ đó mới phát sinh thuật ngữ: thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn.

Muốn sạch là phải đắt?

Tại buổi hội thảo có ý kiến cho rằng, muốn thực phẩm sạch là phải chấp nhận tốn kém, nghĩa là đắt. Đắt tiền đến cỡ nào mà thực phẩm sạch lại chỉ được dành cho giới nào đó? Tôi chỉ đồng ý một phần nhỏ quan điểm, thực phẩm sạch nghĩa là phải đắt.

Thực phẩm sạch là thực phẩm tuân thủ quy định an toàn của Nhà nước. Đây là vấn đề pháp luật, mọi công dân, kể cả cơ quan hữu trách phải tuân thủ, như tuân thủ luật giao thông vậy thôi.

Thực phẩm sạch đắt tiền hơn một chút thì có thể, nhưng nói rằng đắt gấp vài lần so với giá hiện nay thì nói quá.

Thực phẩm chế biến là thí dụ cụ thể đắt rẻ ở mức nào. Quy định chỉ cho phép dùng không quá 250mg muối nitrate/kg thịt để bảo quản và làm đỏ thịt, nhà sản xuất xài vượt mức để jambon, nem chua, lạp xưởng có màu đỏ đậm hơn, đẹp hơn của đối thủ là phạm luật. Hay dùng phẩm màu bị cấm Rhodamine B để nhuộm hạt dưa cho bắt mắt là phạm luật,.. Những vi phạm này không ảnh hưởng bao nhiêu đến giá thành để nói chuyện đến chuyện đắt rẻ. Lẽ ra phải phạt mạnh, thậm chí thu hồi giấy phép nếu tái phạm, nhưng hành xử luật lại quá yếu.

Vấn đề phức tạp hơn trong lĩnh vực nông nghiệp. Hàng năm Việt Nam nhập khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, với hơn 4.000 loại khác nhau, 90% nhập từ Trung Quốc.  Thuốc trừ sâu càng hiệu quả đa năng lại càng rẻ, nhưng là những loại thuốc bị cấm, xen lẫn với những loại được phép, nhởn nhơ ngoài trường thì sao đây? Lỗi ai? 

Dĩ nhiên, nông nghiệp không chỉ là thuốc trừ sâu, mà còn đất đai, giống cây, nguồn nước, phân bón, sử dụng đúng loại, đúng cách thuốc trừ sâu.. Kiểm soát những yếu tố này làm giá thành rau củ quả đắt hơn, nhưng cũng không tăng đến gấp mất lần như than vãn.

Không chỉ có thực phẩm hữu cơ mới sạch

Cần phân biệt, rau tuân thủ quy định an toàn (rau sạch) và rau quả  hữu cơ.

Rau quả hữu cơ không được dùng loại biến đổi gen, không dùng phân hóa học và chất bảo vệ thực vật, nên việc chăm sóc công phu, tốn kém hơn.

Động vật hữu cơ cũng thế, vùng nuôi phải sạch, không nhiễm hóa chất thuốc rầy, không được dùng hormone tăng trưởng, kháng sinh chữa bệnh bị hạn chế, thức ăn cho vật nuôi cũng phải hữu cơ,..

Thực phẩm chế biến hữu cơ cũng bị khống chế nghiệt ngã không kém, ngoài nguyên liệu được dùng phải là loại hữu cơ, bất cứ loại phụ gia nào cũng không được phép dùng.

Các sản phẩm hữu cơ phải được kiểm soát chặt mỗi công đoạn, lại phải chi phí cho giấy chứng nhận,…thì giá thành đắt hơn vài lần là điều có thể hiểu được.

Tuy nhiên về mặt rủi ro an toàn đến sức khỏe, dinh dưỡng, và độ ngon của thực phẩm tuân thủ quy định an toàn và thực phẩm hữu cơ là như nhau. Điều này đã có nhiều công trình nghiên cứu lâm sàng ở quy mô lớn khẳng định. Cần phải làm rõ để tránh những quảng cáo lạm dụng. 

Ưu điểm của thực phẩm hữu cơ đó là bảo vệ môi trường, làm giảm ô nhiễm, duy trì hệ sinh thái, bảo vệ nguồn đất và nước, rất đáng khuyến khích. Nhưng giá lại quá cao, chưa thích hợp với túi tiền của đa số người dân lúc này.

Những con én mệt mỏi

Nhưng thực phẩm hữu cơ ngoài thị trường thì thực giả lẫn lộn, giả rất nhiều so với thật.

Làm thiệt là một vài nhà sản xuất có giấy chứng nhận quốc tế để nhắm tới xuất cảng. Ngoài ra cũng có một số ít nhà sản xuất nhỏ khác kiên trì với phương thức hữu cơ, đưa ra mô hình kiểm soát lẫn nhau, để cho ra sản phẩm hữu cơ thứ thiệt, nhưng họ là những con én mệt mỏi, kêu Trời vì cạnh tranh không nổi với những hàng hữu cơ lai căng, đờ mi giả hiệu. Điều mà trong hội thảo tôi gọi là “Loạn chứng nhận”. Ai đời hãng phân bón đi tôn vinh những nhà nông nghiệp hữu cơ !

Dù thế nào đi nữa, cũng phải ngưỡng mộ những nhà sản xuất nhỏ đang miệt mài với rau quả hữu cơ (thứ thiệt). Họ là những người tiên phong trong bảo vệ môi trường, phải chịu biết bao sức ép từ thị trường, nhưng chính họ là những người đang đặt nền móng cho phương thức làm việc: hợp tác kiểm soát lẫn nhau để vươn lên. Văn hóa đoàn kết tiểu nông để làm ăn vốn rất thiếu ở Việt Nam.

Thực phẩm hữu cơ là hàng tự…chọn, ai dư giả tiền bạc thì xài. Nhưng thực phẩm sạch, được hiểu là thực phẩm tuân thủ quy định an toàn, không phải là tự chọn, nhưng là yêu cầu pháp luật mà mọi công dân phải tuân thủ.

Trách nhiệm sạch bẩn thuộc về ai?

Quy định đã có, nhưng lại chấp hành hời hợt lung tung đến độ người dân phải hoảng sợ sạch bẩn. Sẽ là hơi quá đáng nều chỉ đổ hết trách nhiệm cho các cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Nông Nghiệp, Bộ Y tế, Môi trường, và xa chút nữa là hải quan, chống buôn lậu,… Nhưng cách thức làm việc của viên chức cũng cần thay đổi. Đến kiểm tra doanh nghiệp không phải với bộ mặt “hình sự”, soi mói khuyết điểm, và lăm le biên bản, mà là hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục và tuân thủ quy định, nhất là các doanh nghiệp nhỏ rất cần sự hỗ trợ này.

Về mặt xã hội, “Hệ thống bảo đảm cùng tham gia” (Participatory Guarantee System – PGS) là mô hình đáng học hỏi. Mặc dù PGS chỉ áp dụng cho thực phẩm hữu cơ, nhưng điểm cốt lõi của nó là liên kết mọi thành phần liên quan lại với nhau, khi mà nhà sản xuất, nhà phân phối, cơ quan hữu trách, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, khuyến nông,…và  người tiêu dùng cùng hợp tác để tạo ra thực phẩm sạch, có lợi cho xã hội và đạt được sự tin cậy nơi người tiêu dùng.

Thực phẩm sạch dành cho ai là câu hỏi mà dưới góc nhìn xã hội học đã nói lên sự phân hóa giàu nghèo, nói cách khác, giới nghèo không đủ khả năng với tay đến cái sạch. Tôi muốn nhấn mạnh, tất cả mọi công dân đều có quyền tiếp cận thực phẩm sạch. Đó là quyền lợi của mọi người dân mà Nhà nước có nghĩa vụ phải bảo vệ như pháp luật quy định.

Vũ Thế Thành (vuthethanh202@gmail.com)

.

Advertisement
This entry was posted in An toàn Thực phẩm and tagged . Bookmark the permalink.

1 Response to Thực phẩm sạch dành cho ai?

  1. Pingback: Thực phẩm sạch dành cho ai? | Những thằng già nhớ mẹ

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s