Minh bạch phở được không?

minhbach-4Được quá đi chứ! Minh bạch có phải là thứ gì cao siêu, nửa kín nửa hở đâu mà không thể. Minh bạch là nói thiệt cái mà đối tượng muốn biết. Đối tượng ở đây là khách hàng. Vậy thì ông bán phở, bà bán cơm đều có thể minh bạch được, nếu họ muốn…

Vũ Thế Thành

Quy định là điều bắt buộc

Mấy món này minh bạch được không?

Mấy món này minh bạch được không?

Quy định là yêu cầu có tính pháp lý, mà một loại thực phẩm muốn lưu hành trên thị trường phải đáp ứng, chẳng hạn nem chua xài thịt gì, tiêu hành ớt tỏi, bột ngọt, phải khai ra hết, rồi những chất phụ gia như phẩm màu, nitrate, nitrite,…cũng phải khai ra mức sử dụng là bao nhiêu,….

Chưa hết, nhà xưởng kho bãi có đủ điều kiện vệ sinh để bảo đãm vật lạ, vi khuẩn gây bệnh lọt vào thực phẩm hay không, và còn nhiều thứ nữa phải tuân thủ. Nói chung, nếu nhà chế biến không tuân thủ những quy định này thì cơ quan hữu trách sẽ không cấp giấp phép để sản xuất.

Có quy định thì phải thực hiện. Có thực hiện thì có kiểm tra. Nhà sản xuất tự kiểm tra sản phẩm của mình, rồi cơ quan hữu trách kiểm ngẫu nhiên ngoài thị trường… Rất nghiêm ngặt, và “đúng quy trình”, nhưng thỉnh thoảng vẫn lọt sàng.

Minh bạch là tự nguyện

Ở nước ngoài, điều mà người tiêu dùng muốn các doanh nghiệp minh bạch, không phải việc họ tuân thủ quy định của Pháp luật như thuốc trừ sâu ở rau hay kháng sinh ở thịt,…Mấy thứ rắc rối chuyên môn này đã có Nhà Nước lo. Doanh nghiệp không tuân thủ chỉ có nước dẹp tiệm hoặc đi tù chứ không lôi thôi gì cả.

Người tiêu dùng muốn nhà sản xuất nói rõ hơn cái mà họ muốn biết, cái mà luật pháp không quy định. Thí dụ sau đây có thể minh họa rõ hơn về minh bạch.

Quy định của Mỹ về yogurt là sữa cần được lên men ít nhất với 2 loại vi khuẩn: L. bulgaricus và S. thermophilus, và rồi các nhà sản xuất muốn làm yogurt lên men theo kiểu nào thì tùy, và không có quy định trong yogurt thành phẩm phải còn men sống.  Tuy nhiên, quảng cáo yogurt thì cứ ầm ĩ cả lên, nào men sống trong yogurt tốt cho tiêu hóa, tăng cường miễn dịch, ngừa ung thư,… Ngừa chứ có trị (bệnh) ung thư đâu mà cơ quan y tế can thiệp (tôi sẽ nói rõ hơn về men sống trong yogurt ở bài sau). Người tiêu dùng lại càng hoang mang…

Các thành viên trong Hiệp hội Yogurt Hoa Kỳ tự thỏa thuận với nhau để minh bạch về men sống trong yogurt, phải có ít nhất 100 triệu vi khuẩn/gr đối với yougrt làm lạnh, và 10 triệu/gr với yogurt đông lạnh, và phải chứng minh bằng kết quả phân tích riêng cho từng lô hàng,  mới được dán nhãn “live and active cultures” (men sống). Nhãn đây là nhãn riêng của hiệp hội, còn ai ở ngoài hiệp hội muốn dán nhãn sao cũng được, miễn là tuân thủ quy định của Nhà nước. Vấn đề còn lại là chọn lựa của người tiêu dùng.

Thực ra cái cốt lõi trong minh bạch thực phẩm chính là truy xuất nguồn gốc (nguyên liệu). Một khảo sát cho biết khoảng 56% người tiêu dùng ở Mỹ không chỉ quan tâm tới thành phần nguyên liệu trên nhãn, mà còn cả nguồn gốc nguyên liệu. Người tiêu dùng muốn biết heo bò gà tôm cá, rau củ quả được lấy từ đâu, có tin cậy, an toàn không…, chứ còn nuôi ra sao, trồng thế nào, người tiêu dùng không quan tâm, vì họ không đủ chuyên môn để đánh giá, trừ khi báo chí làm ầm lên, chẳng hạn gạo ở nước X có nhiều arsenic hay heo gà nuôi ở nước Y bị stress vì nuôi trong chuồng chật hẹp,…

“Showhàng” đúng đối tượng

Ở Việt Nam thì khác, quy định có nhiều. Không thực hiện được thì lách. Lách không được thì phạt. Có phạt là có…thông cảm. Lòng vòng như thế…

Nên không khó hiểu khi nhiều doanh nghiệp trong nước lại muốn minh bạch rằng, mình tuân thủ quy định từ đầu đến đuôi, cái mà lẽ ra họ nên minh bạch với cơ quan hữu trách. Ngoài ra, còn thêm nào là quy trình hiện đại, và nào là có thêm giấy chứng nhận ISO 9000, GAP, HACCP, đất trồng không có arsenic, thủy ngân,…Xin lỗi, mấy thứ này không phải là quy định, và người tiêu dùng cũng không quan tâm, và nếu quan tâm thì cũng chẳng hiểu mấy thứ rối rắm này… Thượng đế đã không quan tâm thì “show hàng” cho thượng đế xem làm gì?

Doanh nghiệp chắc chắn la làng. Trời đất, tôi bỏ biết bao nhiêu công sức, tiền bạc, ghi ghi chép chép hàng ngày… mới làm ra được rau sạch (theo đúng quy định của Bộ Nông Nghiệp), chứ đâu phải bạ giống nào cũng xài, phân nào cũng bón, thuốc nào cũng xịt,…Làm ra được bó rau (muống) giá thành đã gấp 3-4 lần thứ rau muống ngâm…nhớt rồi. Chăm chút như thế mà không cho tôi “show hàng” thì coi sao được!

Thì có ai cấm quý vị “show hàng” đâu, thậm chí “show” đủ mọi góc cạnh, “show” đến từng chi tiết càng được khuyến khích. Nhưng phải “show” đúng đối tượng, chẳng hạn một nhà phân phối nào đó muốn cung cấp rau của quý vị đến chuỗi nhà hàng, siêu thị,…chắc chắn họ sẽ cần xem quý vị “show” hàng, mà có khi còn muốn chi tiết hơn những thứ mà qúy vị đã “show”. Trang web của doanh nghiệp, và cạnh tranh hơn là trang web của Hiệp hội thực phẩm minh bạch (sắp hình thành) là nơi quý vị có thể “show” hàng, thậm chí đó còn là cách so hàng với đối thủ cạnh tranh. Dĩ nhiên, dân có nghề họ không chỉ xem hàng, mà còn đánh giá cách vận hành và kiểm soát hệ thống quản lý chất lượng của doanh nghiệp có hiệu quả hay không.

Người đặt hàng sẽ truy vấn đến tận cùng, tôi dùng thuốc trừ sâu có trong danh mục cho phép. Được rồi, nhưng dùng thế nào? Nhập ở đâu? Giấy phân tích?… hay lấy giống cà chua này ở đâu? Có biến đổi gen không?…

Phức tạp còn nhiều, với cái gọi là truy xuất nguồn gốc. Mà truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam còn nhiều lủng củng, chưa đồng bộ… Truy một hồi là tắc tịt.

Dù sao, truy xuất nguồn gốc vẫn là điều cần thiết, được tới đây hay tới đó. Có còn hơn không…

Còn trước mắt, cái người tiêu dùng muốn minh bạch là: Rau này có thuốc trừ sâu không? Nếu không. Xin cho bằng chứng.

Rau quả chỉ là một thí dụ, các loại thực phẩm khác muốn minh bạch cũng phải thế, dù minh bạch ở Việt Nam lúc này chỉ là tương đối, nhất là truy xuất nguồn gốc, đôi khi bất khả kháng.

Bà bán bún bò Huế muốn “show” hàng được không?

Được, nếu bà bán bún bò chứng minh được rằng, thịt heo bò này bả lấy từ lò mổ có giấy phép kiểm dịch, còn màu đỏ là bả xài từ hạt điều mua ngoài chợ,… Rồi rau thơm, rau muống, giá sống,… lấy từ nơi trồng có giấy chứng nhận GAP (qua người bỏ mối),…Chắc ăn hơn, bả có thể nói, đây nè, tui còn nhúng rau vô chậu thuốc tím,… Như thế là quá đủ, chứ chẳng lẽ bắt bả nhảy cóc qua lò mổ, chạy tuốt tới trại nuôi heo để kiểm tra xem ở đây có xài salbutamol, clenbuterol hay không.

Vậy thì minh bạch của bà bán bún bò có khác gì cái minh bạch của các đại gia thực phẩm?

Tôi biết một đại gia mê món ăn Miền Tây, mê đến độ tài trợ việc viết và  xuất bản nhiều tập sách về những món ăn dân dã này, băn khoăn hỏi tôi: “Mấy món này làm minh bạch thực phẩm được không?” .

Minh bạch về an toàn thực phẩm là áp lực của thị trường, không phải là đặc quyền hay bổn phận chỉ riêng của các nhà sản xuất lớn. Cũng không thể nhân danh cái hệ thống quản lý chất lượng (QLCL) phức tạp của mình để loại bà bún bò ra khỏi cuộc chơi minh bạch, và ngay cả việc đánh giá (auditing) hệ thống QLCL liệu đã sòng phẳng minh bạch chưa, hay còn ít nhiều đối phó? Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc (nguyên liệu) đến tận cùng chỉ là tương đối, ít ra với Việt Nam lúc này.

Sản xuất hay chế biến thực phẩm luôn luôn tiềm ẩn rủi ro, và mọi doanh nghiệp lớn nhỏ đều phải tham gia, chứ không phải lớn làm trước, nhỏ làm sau. Thức ăn đường phố luôn luôn là một vấn nạn lớn. Hãy để bà bán bún bò, ông bán phở minh bạch theo cách của họ, theo khả năng mà họ có thể.

An toàn thực phẩm đòi hỏi sự nhận thức và lương tâm của nhà sản xuất, bất phân lớn nhỏ. Và khởi động cho cuộc chơi an toàn thực phẩm chính là nhận thức của người tiêu dùng. Họ biết tẩy chay tô bún bò nấu ngon mà mất vệ sinh, và cũng biết tẩy chay các đại gia thực phẩm to mồm minh bạch mà dối trá.

Lớn nhỏ gì cũng đều có thể minh bạch, nhưng minh bạch là phải trung thực.

Vũ Thế Thành (vuthethanh202@gmail.com)

.

Advertisement
This entry was posted in An toàn Thực phẩm and tagged . Bookmark the permalink.

1 Response to Minh bạch phở được không?

  1. Pingback: Minh bạch phở được không? | Những thằng già nhớ mẹ

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s